Kìm bấm chết được phát minh vào những năm đầu thập kỷ 20 bởi ông Bill Petersen, ông là một người Đan Mạch di cư đến Hoa Kỳ vào năm 1901. Ông khởi nghiệp trên đất Mỹ bằng nghề nông, nhưng bản chất ông là một nhà phát minh thiên bẩm. Cũng đã có lúc ông bước chân vào lĩnh lực ô tô nhưng không mấy thành công. Đến khoảng đầu những năm 1920, ông chuyển đến tiểu bang Nebraska và mở một xưởng rèn.

Là một thợ rèn, ông nhận thấy rằng công việc sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều nếu có một chiếc kìm có thể kẹp chặt được chi tiết rèn giống như một chiếc ê-tô trong lòng bàn tay. Kìm thì ông có cả mớ, ê-tô cũng có. Nhưng kìm thì lỏng, còn ê-tô thì nặng không thể cầm nắm được. Thế là ông nảy ra ý tưởng kết hợp công năng của 2 thứ công cụ đó lại với nhau. Dần dà tìm tòi, ông lần lượt phát minh ra cơ cấu dùng ren vít để điều chỉnh độ mở của miệng kìm, sau đó là cơ cấu gài-khóa chặt phần tay nắm. Ông chế tạo thử rất nhiều nguyên mẫu bằng giấy, gỗ, sau đó là rèn bằng thép.
Bằng sáng chế đầu tiên ông được cấp vào năm 1921. Đến năm 1924, một bằng khác bổ sung thêm cơ cấu gài khóa. Sau đó ông bắt đầu chế tạo hàng loạt và chạy loanh quanh bán cho những nông dân và thợ máy trong vùng. Cái tên Vise-Grip chính thức trở thành một thương hiệu, Vise có nghĩa là mỏ cặp, Grip có nghĩa là kẹp chặt.

Khi chiến tranh thế giới II bắt đầu, Bill Petersen vẫn đang tiếp tục việc thiết kế và phát triển các mẫu kìm chết khác, hai người con trai của ông Chris và Ralph phụ trách sản xuất, một người con trai khác tên Richard đang vật lộn để xây dựng một mạng lưới các đại lý bán hàng. Một trong số họ đã ký được hợp đồng lớn với chính phủ Hoa Kỳ.
Năm 1939, trong khuôn khổ sáng kiến Thế chiến II của Tổng thống Franklin Roosevelt nhằm hỗ trợ nước Anh chống lại Đức, hàng nghìn chiếc kìm chết của Petersen đã được gửi đến để hỗ trợ ngành công nghiệp máy bay của Anh. Các nhà chế tạo tàu chở hàng Liberty nhận thấy chúng rất hữu ích, vì thời điểm này áp lực thời gian để hoàn thành con tàu rất lớn, do vậy các thợ hàn chỉ cần hàn Vise-Grip vào thân tàu thay vì tháo chúng ra khỏi các tấm thép rồi ghép chúng lại với nhau.

Đến năm 1941, nhà máy nhỏ đã hoạt động hết công suất để hoàn thành các hợp đồng của chính phủ. Các ngành công nghiệp quốc phòng đã sử dụng hàng nghìn cây kìm Vise-Grip. Vào thời điểm đó, công cụ này được bán với giá 1,25 đô la.

Chiến tranh thế giới II đã cứu Công ty Petersen, vì năm 1941 là cùng năm bằng sáng chế ban đầu của họ hết hiệu lực. Nếu không có các hợp đồng của chính phủ, sự cạnh tranh với các hãng sản xuất khác có thể đã làm phá sản công ty Petersen non trẻ.
Bill Petersen không ngừng phát minh các mẫu kìm chế mới và mở rộng thị trường. Ngay sau chiến tranh kết thúc, triển lãm công dụng cụ quốc gia đầu tiên được tổ chức nhằm thu hút sự quan tâm lớn của những người lính trở về gia đình. Những người lính bắt đầu dành thời gian cho việc xây dựng ngôi nhà mơ ước, và kìm chết

Vise-Grip đã ở đó song hành với đời sống của họ.
Năm 1957, ông Petersen phát minh thêm chức năng lẫy mở nhanh. Bắt đầu từ thời điểm này, tất cả dòng kìm chết Vise Grip được trang bị thêm một lẫy nhỏ nằm bên trong lẫy lớn, giúp cho việc nhả ngàm kẹp một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn loạt kìm chết thế hệ đầu tiên (một lẫy). Vào những năm 60, công ty Petersen đã mở nhà máy sản xuất thứ hai ở bang Wisconsin. Petersen tiếp tục nghiên cứu cải tiến và phát triển các mẫu kìm chết nhưng đã qua đời vào năm 1962.
Kìm chết xuất hiện ở Việt Nam
Theo chân công binh Hoa Kỳ, những chiếc kìm chết vise grip đầu tiên xuất hiện tại miền Nam Việt Nam từ những năm 60. Đến bây giờ, trải qua năm tháng thăng trầm, kìm chết đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của bao nhiêu thế hệ người dân miền nam.
Trong ký ức của họ thì kìm chết như bảo bối thần kỳ, vì nó được sử dụng cho rất nhiều mục đích khác nhau.

Thời gian sau đó, công ty nhiều lần đổi chủ. Hiện nay, tên thương hiệu chính thức của họ là Irwin Industrial Tools, một nhánh của tập đoàn Newell Rubbermaid.
Năm 2008, nhà máy chính ở Dewitt, Nebraska đóng cửa khi công ty IRWIN quyết định chuyển việc sản xuất qua Trung Quốc. Khoảng hơn 330 lao động thuộc vùng Dewitt và lân cận mất việc làm.
Vise-Grip không còn được đóng mác Made in USA nữa, biến cố này như nhát dao cứa vào tim những người luôn coi đồ nghề, nhất là đồ nghề Mỹ như một báu vật. Giờ đây, ngay trên đất Mỹ, những chiếc kìm chết Vise-Grip cũng đã trở nên khan hiếm.

Harry Huynh (tổng hợp từ nhiều nguồn)
SẢN PHẨM LIÊN QUAN BÀI VIẾT: